Your browser (Internet Explorer {{browserVersion}}) is out of date. It has known security flaws and may not display all the features of this and other websites.
Update my browser
Những chiếc tàu du lịch ngủ đêm sang trọng của Focus Travel chạy dọc theo tuyến sông Mê Kông Việt Nam - Campuchia, có điểm xuất phát từ Sài Gòn đi qua Mỹ Tho, Sa Đéc, Cái Bè, Tân Châu đến Phnom Penh, Siem Reap... 
Lập công ty để đón cơ hội khách Nga trở lại, Đặng Bảo Hiếu kinh doanh các tuyến du lịch đường sông và đường biển, cả ở Việt Nam và châu Âu.
 
Không chỉ khai thác đường sông bằng các tàu du lịch hạng sang, Focus Travel đang đặt đóng tàu buồm du lịch loại một và hai thân, với đơn vị tính bằng triệu đô la Mỹ. Bên cạnh việc đưa du khách nước ngoài rong ruổi trên dòng Mê Kông, trên biển bằng du thuyền, ông Hiếu, một cựu giáo viên tiếng Nga chuyển nghề, đang triển khai dịch vụ du ngoạn bằng thủy phi cơ ở Việt Nam, cũng như đưa khách trong nước qua châu Âu và Nga du lịch đường sông.
 
Việt Nam chứng kiến làn sóng du lịch Nga tăng vọt từ năm 2012. Năm 2012, công ty Focus của ông Hiếu đón 25 ngàn lượt khách Nga, chiếm 15% thị phần, đứng thứ hai sau công ty Pegas Touristik. Năm 2013, dự kiến mức tăng trưởng từ 20 - 30%. Khách Nga hiện đem lại doanh thu lớn nhất cho Focus. “Họ thường tiêu tối thiểu 2 ngàn đô la Mỹ trong một chuyến du lịch 10 ngày”, ông Hiếu ước lượng.
 
Với hơn 20 năm kinh nghiệm phục vụ khách du lịch Nga, ông Hiếu cho rằng sau hơn hai thập kỷ gần như chỉ biết đến Thái Lan, người Nga đang trở lại Việt Nam vì sự thân thiện và bãi biển đẹp, “dung mạo” của ngành du lịch Việt Nam cũng đã thay đổi với thời kỳ du lịch “đổi nợ” của những năm 80. “Du lịch lễ hội thì ai yêu Việt Nam cũng chỉ đến 1 lần thôi, yêu lắm đến lần thứ 2. Còn nghỉ dưỡng là nhu cầu hàng ngày”, ông nói.
 
Dù khách Nga giảm hẳn khi Liên Xô tan rã, ông Hiếu lập Focus với tiêu chí phục vụ khách Nga là chính: “Tôi coi đó là thị trường hứa hẹn”, cựu giáo viên tiếng Nga của trung tâm thực nghiệm Hà Nội nói về khúc ngoặt dẫn ông vào nghề lang bạt này. Năm 1986, trong một dịp gặp gỡ giữa hai cơ quan hai nước Việt Nam - Liên Xô, được phiên dịch cho cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông hồi hộp nên dịch ngắc ngứ. Đại tướng động viên: “Cháu cứ bình tĩnh và tập trung”. Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Lần phiên dịch đó ông “lọt vào mắt xanh” của du lịch Vinatour. Thấy nghề hướng dẫn viên du lịch hợp với sở thích ngao du của mình, ông rẽ lối, bỏ nghề giáo mà gia đình ông đã theo 3 đời.
 
Ông Hiếu đi cùng khách Nga đến năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ. Năm 2000, sau khi lấy được học bổng MBA của Mỹ học tại Việt Nam, ông tách riêng, rủ em trai lập Focus Travel với 5 nhân viên ban đầu. Trong 3 năm đầu, ông bốc vác hành lý cho khách, hướng dẫn, lái xe, điều hành… để tồn tại. Lúc đó, “khách Nga chỉ lác đác như lá mùa thu”. Nhiều khách nói “dịch vụ ở đây chẳng có gì để tôi tiêu xài”.
 
Năm 2008, ông bắt tay liên doanh với Indochina Sails, đơn vị ông đồng sáng lập năm 2006 và là phó chủ tịch, kinh doanh du lịch cao cấp cho khách quốc tế ở vịnh Hạ Long, bước ngoặt dấn sâu vào khai thác du lịch đường sông của ông sau này. Năm 2009, cả hai gọi vốn đầu tư 6 triệu đô la Mỹ đóng con tàu RV Marguerite 5 sao 46 cabin. Tàu ngày nào cũng kín chỗ. Hai năm sau, họ tiếp tục đóng tàu RV Amalotus 62 cabin với giá 8 triệu đô la Mỹ. Cho đến nay, liên doanh Focus – Indochina Sails có đội tàu 4 chiếc và đang đóng thêm chiếc thứ 5 với 32 cabin, tổng vốn đầu tư 20 triệu đô la Mỹ. Hầu như các thương vụ của ông Hiếu đều xây dựng trên cơ sở liên doanh, liên kết để cùng chia sẻ lợi nhuận. “Không ai làm một mình được và cũng không nên làm một mình trong du lịch”, ông Hiếu nói.
 
Hành trình đón khách đường sông của Focus khác biệt với các tour đường sông ngắn như tour đến đại lộ Đông Tây qua kênh Tàu Hủ, tour đến Bình Qưới hay đi địa đạo Củ Chi trong 4 giờ, hoặc tour đi khu du lịch Vàm Sát, Long An… “Có 2 cách tiếp cận du lịch, một là làm cái ai cũng làm được, còn tôi tạo nên thành phẩm giá trị lớn hơn để bán”, ông Hiếu nói.
 
Một vài người làm trong ngành du lịch tỏ ra ít biết đến Focus, nhưng nếu nhắc đến du lịch đường sông Indochina Sails với đội tàu trên vịnh Hạ Long, hay Mekong Waterways, một thương hiệu của Focus, thì họ sẽ nghĩ đến chất lượng của một khách sạn 5 sao trên sông.
 
Cho rằng không có giới hạn trong việc thỏa mãn khách hàng, nên từ năm 2010, ở tuổi 51, ông Hiếu đưa Focus trở thành tập đoàn đầu tư, kinh doanh đa dạng gồm: khách sạn và khu nghỉ mát, đầu tư tàu, quản lý khách sạn và bến du thuyền. “Đầu tư vào du lịch đôi khi lãi rất ít buộc doanh nghiệp phải tái đầu tư, thuê bao khách sạn để tăng giá trị, đóng thuyền mở rộng dịch vụ”, ông Hiếu nói.
 
Dịch vụ khai thác du lịch cao cấp từ sông ra biển mới phát triển từ năm 2012. Tại nhà máy đóng tàu Vinashin Nha Trang, kiểm soát viên người Thổ Nhĩ Kỳ mà Focus thuê đang quản lý việc đóng du thuyền. Nếu đóng mới, giá một chiếc như vậy khoảng 1,5 triệu đô la Mỹ. Những du thuyền này phục vụ cho khách dạo chơi trên biển một ngày, hay tìm cái chạm mặt gần nhất với sóng biển trên hải trình từ Nha Trang về Sài Gòn. Theo ông Hiếu, bên cạnh tàu biển chứa hàng ngàn người, luôn có người sẵn sàng thuê thuyền buồm của ông. “Một nhóm khoảng 20 người thuê thì tầm giá 40 ngàn đô la Mỹ/tuần”, ông tính. “Đầu tư một cái từ 4 - 5 năm lấy lại vốn”.
 
Cách đây 4 tháng, Focus Travel Nha Trang, một công ty Focus nắm 65% cổ phần, khởi công xây dựng khách sạn 5 sao Riviera Resident & Resort ở Cam Ranh. Ông Nguyễn Đức Tấn, em trai ông Nguyễn Đức Chi, chủ dự án Rusalka trước đây, là cổ đông và điều hành lâu năm của Focus cùng ông Hiếu và các đối tác khác thành lập công ty mới là Focus Travel Nha Trang để tiếp tục dự án Rusalka.
 
Sau 8 năm bị bỏ hoang, dự án được khởi động lại khi ông Chi chỉ bị tội danh “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và được đổi tên là Champarama. Trong liên doanh mới, Focus nắm khoảng 10%, với nhiệm vụ chính là đưa khách tới tổ hợp nghỉ dưỡng này. Tuy nhiên Focus Nha Trang còn vướng mắc trách nhiệm xử lý nợ của dự án. Nhưng theo ông Hiếu, dự án trì hoãn do thủ tục là phụ, cái chính là các nhà đầu tư do đang còn dồn vốn cho các dự án khác, chưa lo đủ vốn để khởi động Champarama. Ông Hiếu cho biết, Focus Travel Nha Trang cũng vừa nhận được quyết định cấp đất của tỉnh Khánh Hòa để năm tới sẽ khởi động bến du thuyền quốc tế Ana Marina.
Ông Hiếu khai thác du lịch đường thủy khá tình cờ. Năm 2004, ông Paul Strachan, người Scotland đưa tàu Pandaw Tourst từ Myanmar sang khai thác tuyến sông Mê Kông giữa Việt Nam và Campuchia. Pandaw làm đến 2006 thì ông Hiếu mới sực nghĩ : “Sao người khác lại đóng con thuyền chạy trên sông mình?”. Năm 2007, tham dự hội chợ du lịch ở Mỹ, ông gặp Rudu Schreider, chủ hãng du hành đường sông Ama Waterways và sau hai năm nghiên cứu, ông thuyết phục được Ama Waterways đưa khách vào.
 
Từ đó, ông đóng tàu theo đơn đặt hàng. “Đa số cách làm du lịch ở Việt Nam là làm xong sản phẩm rồi mới chào hàng. Còn tôi đàm phán trước, hiểu nhu cầu và tạo ra sản phẩm thích hợp với họ. Du lịch là một công nghệ phức tạp, nếu anh không hiểu, chỉ tạo được cách dịch vụ đơn thuần và na ná  nhau”, ông nói.
 
Ông cho rằng, những người như Trần Trọng Kiên (Thiên Minh Group) là những người có cái nhìn sắc sảo về du lịch và ý tưởng về sản phẩm. Focus và Thiên Minh của ông Kiên đang liên kết về dự án du lịch bằng thủy phi cơ ở Hạ Long, dự kiến sẽ bay vào tháng 6 năm tới. “Bản chất của thị trường là nhằm thỏa mãn  những nhu cầu đã có và sẽ có. Trong nhu cầu của con người, “mốt” bây giờ  là anh có đi du lịch nhiều không, chứ không phải bộ quần áo anh mặc”. Ông nói.
Trong lúc kinh tế thế giới chưa hồi phục, ông Hiếu khá bận rộn do thị trường cao cấp không bị ảnh hưởng, lượng khách Nga không giảm. Cũng như Pegas, ông đang chuẩn bị để năm sau đưa khách Nga ra Phú Quốc. Tuy đưa khách Việt Nam ra nước ngoài không phải là thị trường chính, tháng 5 vừa qua, Focus vừa tham gia khởi hành tour du lịch đường sông thế giới châu Âu và Nga cho người Việt. Ông Hiếu muốn bán ký ức về dòng Volga hay sông Rhine cho những ai thích hoài niệm.
 
Chia sẻ bài viết: 
TƯ VẤN CHO QUÝ KHÁCH 0899 5858 75